Theo Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC), chỉ trong 6 tháng qua đã có khoảng 10,3 triệu người phải đi tha hương do các thảm họa liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán, chủ yếu xảy ra ở các nước châu Á.
Theo IFRC, trong giai đoạn này, khoảng 2,3 triệu người khác đã phải di dời do nội chiến. Điều đó cho thấy, phần lớn các cuộc di cư trong nước hiện nay là do biến đổi khí hậu.
Bà Helen Brunt, Điều phối viên Di cư và Chuyển chỗ ở Châu Á Thái Bình Dương của IFRC cho biết, mặc dù, các số liệu chỉ bao gồm khoảng thời gian 6 tháng từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, nhưng chúng nhấn mạnh xu hướng di cư liên quan đến khí hậu đang gia tăng trên toàn cầu.
“Mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện nay như đói nghèo, xung đột và bất ổn chính trị. Tác động tổng thể khiến quá trình phục hồi lâu hơn và khó khăn hơn: Mọi người hầu như không có thời gian để phục hồi và họ phải hứng chịu một thảm họa khác”, bà Brunt nhấn mạnh.
Theo báo cáo của IFRC, khoảng 60% người di cư tự do trong 6 tháng qua là ở châu Á. Công ty tư vấn McKinsey & Co cho biết Châu Á là nơi chịu nhiều rủi ro liên quan đến khí hậu, địa vật lý hơn các khu vực khác trên thế giới trong khi không có khả năng thích ứng và giảm thiểu.
Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Giám sát Di dời Nội bộ (IDMC) cho thấy, trung bình có 22,7 triệu người phải di dời mỗi năm. Con số này bao gồm số người di dời do hiện tượng địa vật lý như động đất và núi lửa phun trào, nhưng phần lớn là sơ tán do các sự kiện liên quan đến thời tiết.
Trên toàn cầu, 17,2 triệu người phải sơ tán vào năm 2018 và con số này tăng đến 24,9 triệu người vào năm 2019. Chưa có số liệu cho cả năm 2020, nhưng báo cáo vào giữa năm của IDMC cho thấy đã có 9,8 triệu người phải di dời vì thiên tai trong nửa đầu năm ngoái.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra cảnh báo, 140 triệu người tại ba khu vực thuộc các nước đang phát triển sẽ di cư trước năm 2050 nếu môi trường không được cải thiện. WB đã khảo sát ba khu vực chiếm 55% dân số của các nước đang phát triển. Trong khoảng 30 năm nữa, 86 triệu người tại khu vực châu Phi cận Sahara, 40 triệu người tại Nam Á và 17 triệu người tại Mỹ Latinh được dự báo là sẽ di cư trong nước.
Dòng người này có thể gây ra tình trạng chia cắt rộng lớn, đe dọa hoạt động quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội. Di cư từ nước này sang nước khác kéo theo các nguy cơ bùng nổ xung đột trên biên giới đã trở thành tâm điểm chú ý trong thời gian gần đây. Nhưng di cư trong nước cũng gây không ít sự gián đoạn, tạo áp lực lên kết cấu hạ tầng, việc làm, thực phẩm và nguồn nước.
Biến đổi khí hậu sẽ tác động nhiều nhất tới các nước nghèo nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất, khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, đe dọa nguồn nước và tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt, hạn hán và các đợt nóng tại một số khu vực. Mực nước biển tăng và sóng dâng cao do bão cũng có nguy cơ tấn công các khu vực trũng ven biển như Bangladesh.
Tuy nhiên, WB lưu ý rằng, vẫn có thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và di cư. “Di cư do biến đổi khí hậu sẽ là hiện thực, song nó sẽ không trở thành một cuộc khủng hoảng nếu chúng ta hành động ngay bây giờ hành động một cách táo bạo”, Giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu của WB, ông John Roome khẳng định.
Theo đó, ông Roome chỉ ra ba hành động then chốt mà Chính phủ các nước này nên triển khai: Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ giảm phát thải khí nhà kính; Thứ hai, đưa vấn đề di cư do biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển quốc gia; Thứ ba, đầu tư hơn nữa vào dữ liệu và phân tích để sử dụng trong quy hoạch phát triển.
Nếu phát triển kinh tế diễn ra bao trùm hơn, thí dụ thông qua cải thiện giáo dục và kết cấu hạ tầng, dòng người di cư trong nước thuộc ba khu vực nói trên có thể giảm xuống còn khoảng 65 đến 105 triệu người. Nếu các biện pháp mạnh đối với giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện thì có thể chỉ có 30 đến 70 triệu người cần di cư.
Trong khi đó, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành WB cho rằng: “Các nhà nghiên cứu ngày càng nhận ra rằng sẽ có thêm nhiều người di dời trong nước để chạy trốn những tác động từ từ của biến đổi khí hậu như hạn hán, mất mùa và nước biển dâng”.
“Có thể giảm hàng chục triệu người di cư do biến đổi khí hậu nếu toàn thế giới cùng hành động để giảm phát thải khí nhà kính cùng với đưa ra kế hoạch phát triển có tầm nhìn xa. Giờ đây chúng ta còn một cơ hội để lên kế hoạch và hành động để đẩy lùi những mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu”, bà Kristalina nhấn mạnh.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu
Sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển dâng thường được coi là 2 biểu hiện chính của biến đổi khí hậu. Những tổn thất kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu cộng với các chi phí khắc phục thiệt hại làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 2-3 oC và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20 cm.
Ước tính, đến cuối thế kỷ 21, so với trung bình thời kỳ 1980- 1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 2,3oC, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 5% và mực nước biển có thể dâng thêm 75 cm. Là nước nông nghiệp, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam được Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Môi trường
Tin cùng chuyên mục:
Trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại tại cơ sở mới của Tập đoàn Giáo dục Spectrum Malaysia (SEG)
Trường Đại học Charisma Vương quốc Anh khu vực châu Á tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho học viên, sinh viên tốt nghiệp tại Malaysia tháng 08 năm 2022
Doanh nghiệp thép, xi măng gồng mình trong cơn bão giá nguyên, nhiên liệu
Tín dụng bất động sản: Kiểm soát hợp lý thay vì dùng thuật ngữ “siết chặt”
5 giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản
3 trường hợp cơ quan Nhà nước hủy sổ đỏ đã cấp cho người dân
Giá thép mới nhất tiếp tục giảm thêm 410.000 đồng/tấn
Vốn đổ về phân khúc bình dân, phục vụ nhu cầu ở thực
Người dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ hồng chung cư không?
Giá thép cuộn cán nóng tại Việt Nam tiếp tục giảm sâu
Chi tiết các loại đất không được thế chấp ngân hàng?
Xây nhà sai bản vẽ có bị coi là xây dựng trái phép không?
Nắm rõ các điều kiện khiếu nại khi bị từ chối cấp sổ đỏ
Trường hợp nào được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất 2022?
6 loại đất được phép thế chấp vay vốn ngân hàng
Bãi bỏ khung giá đất: Chấm dứt tình trạng giá ảo, giá thật