Vì sao doanh nghiệp vẫn không “mặn mà” với nhà ở xã hội?

Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư hiện nay đều không mặn mà với việc phát triển nhà ở xã hội vì lo ngại những vướng mắc thủ tục, quy trình xét duyệt kéo dài, trong khi lợi nhuận rất thấp so với việc phát triển các dự án nhà ở thương mại. 

Ảnh minh họa – Internet

Doanh nghiệp chần chừ 

Đề cập đến “nút thắt” cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, ông Lễ Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành – cho rằng, thông thường, kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng, lợi nhuận định mức của dự án nhà ở xã hội tối đa theo quy định chỉ khoảng 10%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm.

Ông Lễ Hữu Nghĩa chia sẻ: “Chủ đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội, điều họ quan tâm nhất đó là chính sách pháp lý, ưu đãi của Nhà nước để giảm thuế, giảm giá thành cho doanh nghiệp khi triển khai dự án. Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm đến nguồn cầu của người lao động và quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội của nhóm đối tượng này có gì khó khăn hay không. Từ đó, tính toán về thời gian hoàn vốn khi phát triển nhà ở xã hội”.

Theo các chủ đầu tư, một trong những lý do khiến doanh nghiệp chần chừ nhất đó là vấn đề thủ tục còn phiền hà. Các dự án nhà ở xã hội thường vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến doanh nghiệp khó quyết toán hoặc cấp sổ hồng cho người mua chậm trễ. Về thuế, đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê, thường được giảm 70% thuế giá trị gia tăng nhưng Luật Thuế lại không có khoản này. Doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội gặp nhiều rắc rối, khó khăn sẽ dần mất động lực để làm các dự án tiếp theo.

Ngoài việc vướng mắc thủ tục, ông Luyện Văn Phương – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội – cũng lo ngại về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù đã có quy định là 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại sẽ được dành để phát triển nhà ở xã hội, thế nhưng theo ông Phương, riêng tại Hà Nội, tỉ lệ này là 25% song hầu như không đạt được yêu cầu và còn hạn chế.

Hoàn thiện cơ chế phát triển NƠXH 

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, với những chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, cả nước đã hoàn thành 275 dự án, 147.000 căn hộ và đang triển khai 339 dự án với quy mô hơn 370.000 căn hộ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã khởi công 7 dự án nhà ở với tổng số 23.965 căn hộ. Trong đó, có 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 20.765 căn. Trong quý III và IV/2022, dự kiến TP.Hà Nội sẽ khởi công 2 dự án nhà ở xã hội với 1.860 căn… Tuy nhiên, trước nhu cầu lớn về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp thì con số này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) – chia sẻ, ngoài việc sửa đổi các luật, đòn bẩy cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chính là 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Các địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc việc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội, phù hợp và tùy thuộc vào nguồn lực của từng nơi.

“Để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, điểm đầu tiên là cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp thường không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do Nhà nước quyết định.

Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng, thực hiện quá trình đầu tư nhanh, rút ngắn thời gian để nhanh chóng thu hồi vốn, đạt mức lợi nhuận cao” – ông Nguyễn Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) thông tin.

LAN NHI

Nguồn: Báo Lao động điện tử (https://laodong.vn/thi-truong-bds/vi-sao-doanh-nghiep-van-khong-man-ma-voi-nha-o-xa-hoi-1042078.ldo)

07/05/2022 13:31 (GMT+7)

Tin cùng chuyên mục: