Đường về U Minh Thượng

Mặt trời đang ngả về hướng tây, hoàng hôn từ từ buôn xuống xứ U Minh Thượng, ấy là lúc hang đàn Gian Sen, kiếm ăn ở những phương xa trở về tổ, qua đêm giữa rừng thiêng quê hương…. Khu rừng bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang không chỉ là nơi sinh cảnh tối ưu của loài chim Giang Sen, mà còn có hơn 900 loài động vật hoang dã, trong đó có 57 loài hiếm quý, sinh sống giữa rừng tràm, và than bùn đặc trưng thế giới và vùng đất ngập nước điển hình. Loài chim Giang Sen nổi trội tập tính kiếm ăn khắp các miền xa, chiều về trú ngụ bình yên giữa rừng tràm U Minh Thượng. Nơi có khu rừng bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng còn có một địa danh Ấp Công Sự, một thười nổi tiếng chiến khu cách mạng bán đảo Cà Mau, ngày nay thành lập huyện mới U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang. Chuỗi sự kiện đầy vinh dự của địa danh U Minh Thượng: Chiến khu cách mạng thời chống Mỹ, Bảo tồn thiên nhiên trên đất than bùn đặc trưng châu Á, Vườn quốc gia rừng Tràm, Vườn quốc gia di sản ASEAN, vùng đất ngập nước điển hình thế giới RAMSAR, thành phần cốt lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang MAB/ UNESCO.

Từ hơn ba trăm năm trước, thực dân Pháp đã cùng một số điền chủ bản xứ khai khẩn vùng nam Sông Hậu, từng hình thành 13 kênh đào thủy lợi qua vùng này, không một con kênh nào xuyên vào hồ rừng U Minh Thượng, đất thiêng hồ Rừng gìn giữ lưu truyền mãi tới ngày nay. Thật sự giá trị sinh thái vùng hồ rừng U Minh Thượng đảm bảo phòng hộ bền vững cho miền rộng lớn nông nghiệp và kinh tế xã hội bán đảo Cà Mau – phía nam sông Hậu. Truyền thống địa phương từ lâu đời đã gọi là Hồ Rừng U Minh Thượng, rộng hơn hai vạn hecta trên lớp than bùn đặc trưng, quanh năm ngập nước. Rừng Tràm cùng với hàng trăm loài cây khác trở thành sinh cảnh thích nghi của nhiều loài động vật hoang dã, gồm đủ các loài chim, bò sát, thủy sản, côn trùng.

Vài năm trở lại đây, ngày càng tăng những dòng người từ khắp miền đất nước, các tỉnh trong vùng Đồng Bằng Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ, Miền Trung đến Tây Nguyên và ngoài Bắc xa xôi, truyền miện với nhau “hành hương về đất thiêng” U Minh Thượng! Thật sự có gì là “Hành hương về đất thiêng”? Từ hàng trăm năm trước, hệ thống 13 kênh đào khai sáng vùng lúa trù phú đã tránh Hồ Rừng, biết kính cẩn trước vùng đất thiêng. Suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, chiến khu U Minh Thượng bất khả chiến bại trước quân xâm lược. Từ ngày đất nước thống nhất, hòa bình xây dựng và phát triển , U Minh Thượng tiếp tục phát huy “địa lợi – nhân hòa”, không chỉ là nhân tố tích cực phòng hộ – điều hòa thiên nhiên cho một vùng rông lớn , duy trì thủy lợi cho mùa vụ nông nghiệp, thau chua rửa mặn đất phèn, bảo tồn cảnh quan vùng than bùn đặc trưng bậc nhất châu Á, bảo tồn sinh cảnh biết bao loài động vật hoang dã. Tiến sĩ người Australia, ông Robert Wood, điều phối viên dự án hợp tác quốc tế phát triển bền vững vùng Tứ giác Long Xuyên (liền kề vùng Nam sông Hậu – U Minh Thượng), có bài viết với tiêu đề “Tôi đã cùng mọi người hành hương về đất thiêng U Minh Thượng”, bày tỏ sự chân thành và ngưỡng mộ áp dụng bài học quý báu về bảo tồn thiên nhiên ở vườn quốc gia U Minh Thượng, mang lại lợi ích tích cực đối với môi trường và phát triển kinh tế xã hội cộng đồng. Thông tin từ bài báo ấy đến với giáo sư Micheal Dove, khoa Lâm Sinh và Môi trường, trường đại học Yale – Hoa Kỳ, người đã là chủ nhiệm dự án quốc tế về “Quản lý rừng và môi trường bền vững dựa trên cộng đồng khu vực Châu Á” đã cách đây hai mươi năm, phía việt nam tham gia có tôi là trưởng nhóm quốc gia. Thư điện tử của giáo sư Dove gửi cho tôi có hàm ý rằng, ý nghĩa “thiêng liêng” của vùng Hồ Rừng bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thể hiện tính bất khả xâm phạm đối với tài nguyên và cảnh quan độc đáo của vùng U Minh Thượng, với vai trò tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, bài học đã từng được dự án tôn vinh và phát triển, nhưng có gì khác lạ ở một vùng đồng bằng rộng lớn này! Tôi đã giải thích với giáo sư Dove rằng, vấn đề cối lõi là giải pháp thực hiện minh bạch hơn, hiệu quả hơn của trách nhiệm và lợi ích cộng đồng tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sao cho hai nhân tố cơ bản Môi Trường và Sức Khỏe (sức khỏe con người và sức khỏe xã hội phát triển lành mạnh, phồn thịnh) tạo nên ý nghĩa “thiêng liêng” cho vùng đất lành. Vườn quốc gia U Minh Thượng đợc thành lập trên vùng Hồ rừng đã gần 20 năm, địa hình vùng đất ngập nước trên lớp than bùn, rừng tràm và thảm thực vật phát triển phong phú. Cặp bờ đê bao bốn cạnh ranh giới vườn quốc gia được phân chia cho số hộ địa phương đã được chọn (trở thành thành viên hệ thông cộng tác viên pháp lý tham gia bảo vệ thiên nhiên của VQG), mỗi hộ 2ha đất vùng đệm, trồng cây lưu niệm hoặc rau quả mùa vụ, thực hiện bảo vệ rừng vùng lõi và tài nguyên sinh vật khác, phát triển dịch vụ du lịch (ăn nghỉ, hướng dẫn tham quan,  có hộ gia đình trồng vườn dược liệu phục vụ dưỡng sinh).

Tiếng lành đồn xa, “đất thiêng” U Minh Thượng thật sự thiêng, khách thập phương nườm nượp kéo về, cộng đồng tham gia quản lý bền vững vùng đất thiêng ngày càng tích cực đạt hiệu quả an sinh. Ngày càng nhiều hơn những đàn Giang Sen và nhiều loài khác, chiều chiều trở về Hồ Rừng U Minh Thượng./.

Võ Trí Chung

Ủy ban Quốc gia chương trình Con người và Sinh Quyển

(MAB/UNESCO Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục: