Tình trạng bán đất đồi, khai thác đất trái phép làm phụ gia xi măng, san lấp mặt bằng… vẫn đang diễn ra công khai hoặc âm ỉ tại nhiều nơi làm dư luận và người dân vô cùng bức xúc. Nhiều địa phương đã triển khai kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, nhưng cũng nhiều nơi hành vi này đang được biến tướng thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm hợp thức hóa sai phạm. “Đất tặc” vẫn ngang nhiên lộng hành.
Khối lượng đất rất lớn đã được bán kiếm lợi
Hàng loạt xe tải chở đất ra vào hàng đêm tại xóm Bãi Dài (nay là thôn 7), xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất gây ra tiếng ồn lúc nửa đêm. Nhận thấy sự bất thường, người dân xung quanh đã phản ánh tình hình đến UBND xã. Không được phản hồi thỏa đáng, thông tin này đã được gửi tới tòa soạn Doanh nhân và pháp lý. Sau quá trình điều tra tại hiện trường và phỏng vấn những người liên quan, phóng viên nhận thấy một số biểu hiện gian dối trong mục đích san gạt và sử dụng đất tại đây.
Toàn cảnh thửa đất số 01 tại xóm Bãi Dài, xã Tiến Xuân, trong đó có mô đất đồi (góc trên bên trái) hiện đang san gạt
Theo điều tra, mảnh đất này nằm tại thửa đất số 01 (tờ bản đồ số 68) tại xóm Bãi Dài, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, được quy định là đất ở, chủ sở hữu là ông Tạ Văn Hải và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hồng (trú tại thôn Gò Chè, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Trong Tờ trình của ông Tạ Văn Hải gửi đến UBND xã Tiến Xuân nêu rõ, khu đất này đang trong tình trạng “sạt lở, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng tới các hộ dân lân cận”, do đó trình đề xuất UBND huyện Thạch Thất cho phép san gạt và cải tạo mặt bằng để gia đình xây dựng công trình nhà ở và trồng cây ăn quả. Số phần đất san gạt theo như thỏa thuận giữa ông Hải và UBND xã sẽ ủng hộ để cải tạo các công trình cho cộng đồng (như Nhà văn hóa chung của xã hoặc một số công trình công cộng khác trên địa bàn thôn xã nếu cần), số còn lại ông Hải có trách nhiệm lên phương án san gạt và tập kết vật liệu đất đá đến địa phương khác, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Nếu sự việc chỉ dừng lại như trên thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, khi đi sâu vào điều tra, chúng tôi nhận thấy nhiều biểu hiện bất thường của doanh nghiệp nhận cải tạo mặt bằng khu đất đồi – Công ty Cổ phần đầu tư Thạch Vi Tây Hà Nội (Công ty Thạch Vi), địa chỉ tại thôn Lập Thành, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội – Đại diện là bà Đinh Thị Hằng (chức vụ: Giám đốc chi nhánh). Có thể nói, đây là một hành vi gian dối, hợp thức hóa hành vi khai thác đất trái phép tại huyện Thạch Thất. Số đất đá mà công ty Thạch Vi thực hiện san gạt mặt bằng cho gia đình ông Hải không được tập kết đúng tại bãi tập kết Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (theo hợp đồng thuê mặt bằng tập kết đổ đất giữa công ty Thạch Vi với một công ty vật tư và xây dựng khác). Khi theo dõi lộ trình các xe tải chở đất, chúng tôi nhận thấy các xe tải trên đều tập kết thẳng vật liệu đến một công trình hiện đang trong quá trình xây dựng (tại Mễ Trì, Hà Đông, Hà Nội).

Khu vực đất đồi nhà ông Hải được đánh giá là đất đồi lâu năm, tính chất đất rắn chắc, không dễ “sạt lở, gây mất an toàn” như ông Hải đã trình báo, nên không hề có chuyện ảnh hưởng đến đời sống hay đi lại của người dân xung quanh. Thực tế, lượng đất đồi trên lên đến vạn khối và đang được công ty Thạch Vi khai thác sôi động như một công trường lớn. Đêm đêm, số ô tô tải ra vào chở đất lên đến chục chiếc ra vào tấp nập tại thôn 7, xã Tiến Xuân. Hành vi khai thác này được thực hiện từ 1 – 2h đêm cho đến sáng. Tiếng máy xúc, ô tô tải chạy rầm rầm mà lãnh đạo chính quyền xã cũng không hề kiểm tra, xác minh.
Trong cuộc phỏng vấn ngắn với phóng viên, ông Hải có nói “cho công ty Thạch Vi thuê đất và không rõ mục đích sử dụng”. Vậy có nghĩa, công ty Thạch Vi thuê và bỏ tiền để được cải tạo mặt bằng cho hộ dân cư? Việc này hoàn toàn mâu thuẫn với hợp đồng giữa ông Hải và công ty Thạch Vi trước đó.

Có thể khẳng định, ông Hải và công ty Thạch Vi đang bắt tay thực hiện hành vi khai thác bán đất trái phép. Nhưng phải chăng hành vi này đang được cả 3 bên: chủ đất, doanh nghiệp và chính quyền xã Tiến Xuân ngầm thực hiện và hợp thức hóa bằng các lý do, giấy tờ chính đáng để ngang nhiên thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Theo quy định của pháp luật, đất được coi là một loại khoáng sản. Trong quá trình sử dụng thì người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.
Trong trường hợp trên, hành vi của ông Hải và công ty Thạch Vi là hành vi khai thác khoáng sản trái phép và căn cứ vào mức khối lượng đất bán ra, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 47 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Tuy nhiên, mức xử phạt với số tiền không lớn, thậm chí rất nhỏ so với giá trị bán đất trái phép mang lại.
Nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu trong xây dựng hiện đang rất lớn, lợi nhuận từ việc bán đất trái phép mang lại cũng cao hơn mức tiền xử phạt theo khung pháp luật. Việc bùng phát nhiều hành vi “đất tặc” đã xuất hiện từ nhiều năm qua tại nhiều nơi trên cả nước. Tuy nhiên, chính quyền và cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn thực sự hiệu quả, gây bức xúc dư luận và người dân.
Yêu cầu xã Tiến Xuân, Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm, giải tỏa toàn bộ hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển đất san gạt trái phép trên địa bàn, báo cáo các cấp ngành liên quan và có biện pháp bảo đảm hành vi vi phạm trên không tái diễn.
Tạp chí Doanh nhân & Pháp lý sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: Tạp chí Doanh nhân & Pháp lý
Tin cùng chuyên mục:
Trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại tại cơ sở mới của Tập đoàn Giáo dục Spectrum Malaysia (SEG)
Trường Đại học Charisma Vương quốc Anh khu vực châu Á tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho học viên, sinh viên tốt nghiệp tại Malaysia tháng 08 năm 2022
Doanh nghiệp thép, xi măng gồng mình trong cơn bão giá nguyên, nhiên liệu
Tín dụng bất động sản: Kiểm soát hợp lý thay vì dùng thuật ngữ “siết chặt”
5 giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản
3 trường hợp cơ quan Nhà nước hủy sổ đỏ đã cấp cho người dân
Giá thép mới nhất tiếp tục giảm thêm 410.000 đồng/tấn
Vốn đổ về phân khúc bình dân, phục vụ nhu cầu ở thực
Người dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ hồng chung cư không?
Giá thép cuộn cán nóng tại Việt Nam tiếp tục giảm sâu
Chi tiết các loại đất không được thế chấp ngân hàng?
Xây nhà sai bản vẽ có bị coi là xây dựng trái phép không?
Nắm rõ các điều kiện khiếu nại khi bị từ chối cấp sổ đỏ
Trường hợp nào được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất 2022?
6 loại đất được phép thế chấp vay vốn ngân hàng
Bãi bỏ khung giá đất: Chấm dứt tình trạng giá ảo, giá thật