Tình trạng mất cân đối cung cầu tiếp tục trở nên gay gắt khi sản phẩm cao cấp tăng nhanh, trong khi người dân vẫn “đỏ mắt” đi tìm nhà vừa túi tiền. Không ít doanh nghiệp đầu ngành địa ốc đang nắn dòng tín dụng về phân khúc nhà giá rẻ, phục vụ nhu cầu ở thực.
Nhà ở giá rẻ “nóng lên” với các dòng vốn mạnh. Ảnh: Cao Nguyên
Đổi hướng dòng tiền
Sự tham gia của các nhà đầu tư giàu tiềm lực rõ ràng là một tín hiệu đầy tích cực cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực, tuy nhiên niềm vui này, nếu có, cũng sẽ chỉ đến trong tương lai xa.
Đơn cử như giữa quý II/2022, “gã khổng lồ” ngành địa ốc Vinhomes làm dậy sóng dư luận khi công bố một kế hoạch làm nhà ở xã hội giá dưới 1 tỉ đồng. Mục tiêu là hoàn thành 500.000 căn trong 5 năm tới. Quy mô các dự án khoảng 50-60ha tại vùng ven Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng…
Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh công bố đầu tư khoảng 100.000 căn nhà ở xã hội với giá từ 20 triệu đồng/m2. Hay như Tập đoàn Thắng Lợi cũng gia nhập cuộc đua làm nhà ở giá rẻ, khi dự kiến tung ra thị trường khoảng 10.000 căn, với giá bình quân trên dưới 1 tỉ đồng.
Chưa biết kết quả thực tế sẽ ra sao, tuy nhiên những diễn biến thị trường cho thấy các “đại gia” hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản đang bắt đầu chuyển hướng dòng tiền về các sản phẩm giá mềm, thay vì chỉ phát triển phân khúc cao cấp, hạng sang.
Theo các chuyên gia, lý do quan trọng nhất là bởi những đòi hỏi của thị trường. Các kết quả khảo sát đều cho thấy sự mất cân bằng cung cầu đang vô cùng nghiêm trọng khi số lượng nhà giá cao vượt trội nhà giá rẻ. Người dân bình thường mất khả năng sở hữu nhà, trong khi tồn kho ngày càng gia tăng.
TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nói rằng, phân khúc nhà ở vừa túi tiền dành cho những gia đình trẻ từ dưới 30-35 tuổi, có nhu cầu ở thực chiếm tỉ trọng rất lớn, tuy nhiên trong rổ hàng gần như không có sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp địa ốc hàng đầu có động thái điều chỉnh dòng tiền, cơ cấu lại danh mục sản phẩm theo hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua nhà ở thực là một bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, duy trì sự tăng trưởng.
Đáp ứng nhu cầu thực
Thực tế thì câu chuyện khát nhà giá rẻ đã được nhắc đến như một “điệp khúc buồn” trong những năm qua. Và quay đi quay lại vẫn là chuyện doanh nghiệp vẫn chờ được cởi trói để gia nhập đường đua.
Trong báo cáo về thực hiện chương trình nhà ở 2016 – 2025 diễn ra hồi cuối tháng 6.2022, Sở Xây dựng TPHCM chỉ ra một thực tế là thủ tục đầu tư xây dựng một dự án nhà ở xã hội khó hơn đầu tư một dự án nhà ở thương mại, dẫn đến doanh nghiệp ngại “rót tiền”.
Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội nói riêng hay nhà ở giá rẻ nói chung thường bị “trói chân” bởi hàng loạt các thủ tục như thẩm định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà, và cuối cùng phải xác nhận đối tượng mua nhà… Chính vì thủ tục nhiều hơn và khó hơn nên thời gian thực hiện dài, tốn kém hơn.
Nếu được “cởi trói” các vấn đề được coi là cốt lõi như vốn, quỹ đất, thủ tục… các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ tăng hấp lực với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những “đại gia” hàng đầu như Vinhomes, Hòa Bình, APEC, Nam Long, Địa Ốc Sài Gòn, Hưng Thịnh… vốn đã có những hoạt động tích cực thời gian qua.
Sự tham gia của những doanh nghiệp hàng đầu chính là nền tảng để nguồn cung nhà giá rẻ được cải thiện. Bất chấp việc “cơn khát” nhà bình dân được dự báo còn kéo dài trong ít nhất 1-2 năm tới, nhưng những triển vọng trong tương lai, dù phải đợi 5 -10 năm, vẫn sẽ là niềm hy vọng cho những người dân có nhu cầu mua nhà ở thực.
Một lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM đánh giá việc các nhà đầu tư giàu tiềm lực tham gia phân khúc nhà giá rẻ là tín hiệu rất tích cực, giúp cân bằng thị trường.
Bên cạnh các sản phẩm để bán, các doanh nghiệp cần tăng cường nhà cho thuê, vì công nhân, người lao động nghèo đô thị với thu nhập ít ỏi cũng khó có thể mua được nhà, dù giá rẻ.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang thiếu gay gắt, đến nay mới đạt 7,3 triệu m2 so với mục tiêu 12,5 triệu m2. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2, tương đương 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ. |
ANH HUY
Nguồn: Báo Lao động điện tử
(https://laodong.vn/bat-dong-san/von-do-ve-phan-khuc-binh-dan-phuc-vu-nhu-cau-o-thuc-1066128.ldo)
09/07/2022 15:16 (GMT+7)
Tin cùng chuyên mục:
Trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại tại cơ sở mới của Tập đoàn Giáo dục Spectrum Malaysia (SEG)
Trường Đại học Charisma Vương quốc Anh khu vực châu Á tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho học viên, sinh viên tốt nghiệp tại Malaysia tháng 08 năm 2022
Doanh nghiệp thép, xi măng gồng mình trong cơn bão giá nguyên, nhiên liệu
Tín dụng bất động sản: Kiểm soát hợp lý thay vì dùng thuật ngữ “siết chặt”
5 giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản
3 trường hợp cơ quan Nhà nước hủy sổ đỏ đã cấp cho người dân
Giá thép mới nhất tiếp tục giảm thêm 410.000 đồng/tấn
Vốn đổ về phân khúc bình dân, phục vụ nhu cầu ở thực
Người dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ hồng chung cư không?
Giá thép cuộn cán nóng tại Việt Nam tiếp tục giảm sâu
Chi tiết các loại đất không được thế chấp ngân hàng?
Xây nhà sai bản vẽ có bị coi là xây dựng trái phép không?
Nắm rõ các điều kiện khiếu nại khi bị từ chối cấp sổ đỏ
Trường hợp nào được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất 2022?
6 loại đất được phép thế chấp vay vốn ngân hàng
Bãi bỏ khung giá đất: Chấm dứt tình trạng giá ảo, giá thật